TÌM HIỂU:TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH VỀ TRUNG THỰC TRÁCH NHIỆM
TÌM HIỂU:TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ
MINH
VỀ TRUNG THỰC
TRÁCH NHIỆM
- Ra đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh
mang theo hoài bão, khát vọng giành lại nền độc lập cho Tổ quốc. Người đã xác
định trách nhiệm của người dân đối với Tổ quốc, ở đây là người dân mất nước.
Những hoạt động của Người trong thời gian tìm đường cứu nước (1911-1920) là
công việc tự giác, là trách nhiệm của một người dân đối với Tổ quốc, đối với
dân tộc, Nhân dân mình. Suốt gần mười năm trải qua bao nhiêu sự tìm tòi, chiêm
nghiệm, khám phá, cuối cùng Người đã tìm được con đường cứu nước, giải phóng
dân tộc, hoàn thành trách nhiệm đầu tiên do chính mình đặt ra.
- Sau khi tìm được con đường cứu nước, Hồ
Chí Minh tự xác định trách nhiệm thức tỉnh dân tộc Việt Nam, trước hết là lớp
thanh niên, trí thức yêu nước về nhiệm vụ và con đường cứu nước, giải phóng dân
tộc. Đầu năm 1930, Người đã hoàn thành được một nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng
hàng đầu của tiến trình cách mạng, đó là sáng lập ra đội tiên phong của giai cấp
công nhân và của cả dân tộc - Đảng Cộng sản Việt Nam - để lãnh đạo toàn dân đấu
tranh giành lại nền độc lập cho Tổ quốc.
- Trong 15 năm, năm 1930 đến năm 1945, Hồ
Chí Minh đã hai lần bị bắt, bị giam cầm trong nhà tù của thực dân đế quốc.
Trong hoàn cảnh lao tù, Người xác định “Muốn nên sự nghiệp lớn, tinh thần càng
phải cao”, “Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng”. Trong những năm hoạt động
bí mật trên chiến khu, người đã trải qua cuộc sống gian khổ, cùng Nhân dân để
chuẩn bị đấu tranh giành chính quyền. Khi kêu gọi Nhân dân tham gia Mặt trận
Việt Minh, Người xác định trách nhiệm của mình: “Riêng phần tôi, xin đem
hết tâm lực đi cùng các bạn, vì đồng bào mưu giành tự do độc lập, dầu phải hy
sinh tính mệnh cũng không nề”.
- Từ sau năm 1945, với cương vị là người
đứng đầu Đảng và Nhà nước, Hồ Chí Minh đã tự xác định cho mình trách nhiệm
người công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và trách nhiệm nặng nề của
người lãnh đạo cao nhất. Người tâm sự:“Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn
đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp
nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích
đó... Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm
cho ích quốc lợi dân”. Trong hoàn cảnh cách mạng “ngàn cân treo sợi
tóc” những năm 1945-1946, Người xác định trách nhiệm quan trọng nhất là cùng
với Đảng với dân bảo vệ được nền độc lập dân tộc mới giành được, để xây dựng
đất nước, mang lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.
- Trong quan hệ với Nhà nước và Nhân dân,
Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ trách nhiệm của mình, đó là nhận sự uỷ thác của
quốc dân, đồng bào, hoàn thành trách nhiệm được Tổ quốc, Nhân dân giao
phó "cũng như người lính vâng mệnh lệnh quốc dân ra trước mặt trận" nhằm
làm cho "Nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do,
đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành"; xây dựng
một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần
xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới…
- Trong lãnh đạo cách mạng, có lúc Đảng,
Nhà nước phạm sai lầm, khuyết điểm. Trước khuyết điểm chung, với tinh thần dám
chịu trách nhiệm, Người đứng lên, thay mặt Đảng, Chính phủ xin lỗi Nhân dân.
Trong Thư gửi đồng bào nông thôn và cán bộ nhân dịp cải cách ruộng đất ở
miền Bắc căn bản hoàn thành, sau khi nêu những khuyết điểm, sai lầm của Đảng
trong việc đoàn kết nông thôn, việc đánh kẻ địch, việc chấn chỉnh tổ chức,
trong chính sách thuế nông nghiệp, Người viết: “Trung ương Đảng và Chính phủ đã
nghiêm khắc kiểm điểm những sai lầm, khuyết điểm ấy và đã có kế hoạch kiên
quyết sửa chữa, nhằm đoàn kết cán bộ, đoàn kết Nhân dân, ổn định nông thôn, đẩy
mạnh sản xuất”.
ST Trần Nguyễn Diễm Huyền