Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 127
  • Trong tuần: 1 916
  • Tất cả: 333573
Đăng nhập

BÀI DỰ THI VIẾT VỀ NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT VIỆC TỐT Tấm gương sáng của thầy Phạm Minh Vương phó hiệu trưởng - phó thư chi bộ Trường THCS Tân Lập – xã Tân Lập – huyện Đồng Phú - tỉnh Bình Phước

BÀI DỰ THI VIẾT VỀ NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT VIỆC TỐT

Tấm gương sáng của thầy Phạm Minh Vương

phó hiệu trưởng - phó thư chi bộ

Trường THCS Tân Lập – xã Tân Lập – huyện Đồng Phú - tỉnh Bình Phước

 

Từ những ngày đầu khi Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu phát động phong trào “Nghìn việc tốt” cho đến nay, đã có không ít tấm gương người tốt việc tốt trên khắp cả nước. Tất cả đều muốn chung tay đóng góp công sức, trí tuệ vào việc để xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh. Nhiều trong số họ là những thầy cô giáo, những người mang trên vai sứ mệnh trồng người mà toàn xã hội tin tưởng trao cho, những người thầy cô không quản khó nhọc, hết mình vì đàn em thân yêu. Tôi muốn nói đến một người như thế, một tấm gương “Tâm huyết, sáng tạo học theo lời Bác” như thế, đó chính là người đồng nghiệp của tôi, Thầy giáo Phạm Minh Vương,  phó hiệu trưởng trường THCS Tân Lập.

 

Thầy giáo Phạm Minh Vương -phó hiệu trưởng trường THCS Tân Lập là tấm gương tiêu biểu tâm huyết với nghề, làm theo lời Bác, điển hình trong công tác quản lý chuyên môn. Những năm công tác tại trường THCS Tân Lập, thầy đã xây dựng Hội đồng sư phạm nhà trường thành một tập thể đoàn kết, trí tuệ, dân chủ, kỷ cương, tình thương và trách nhiệm. Đồng thời, luôn quan tâm đến hoàn cảnh, nguyện vọng từng cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong nhà trường, cảm thông, chia sẻ, tạo điều kiện để họ công tác tốt. Thầy giáo Phạm Minh Vươngluôn đi đầu trong việc vận dụng nhiều phương pháp mới để nâng cao chất lượng giáo dục và đổi mới quản lý. Sử dụng tốt công nghệ thông tin trong việc quản lý và lãnh đạo. ‎Đặc biệt, thầy vận dụng tốt các biện pháp quản lý bằng kế hoạch, bằng pháp chế; hưởng ứng các cuộc vận động và phong trào thi đua của Nhà nước và ngành giáo dục; thực hiện tốt công tác phối hợp với Công đoàn cơ sở, sự lãnh đạo của chi bộ Đảng trong nhà trường.

 

Từ một thầy giáo dạy bộ môn Văn, bằng sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi thầy được UBND Huyện Đồng Phú đề bạt làm phó hiệu trưởng trường THCS Tân Lập. Để công tác quản lý đạt hiệu quả cao, ngoài trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, bản thân thầy tự trau dồi chuyên môn, tham gia nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý; các lớp tập huấn do ngành giáo dục tổ chức để nắm bắt tình hình, cải tiến công tác quản lý tại đơn vị mình cũng như thực hiện việc xây dựng tốt chuyên môn cho lãnh đạo phòng giáo dục. Nhờ vậy, trong những năm thầy làm công tác quản lý của trường luôn kịp thời và thường xuyên được đổi mới một cách rõ rệt.

Quá trình đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh, Trường THCS Tân Lập đã gắn các chuyên đề học tập và làm theo gương Bác với các cuộc vận động, phong trào thi đua của ngành giáo dục, trong đó nổi bật là phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Để nâng cao chất lượng giáo dục, thầy đã kết hợp với nhà trường và các tổ chuyên môn chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, trong đó lấy học sinh làm trung tâm. Mỗi giáo viên phải biết vận dụng linh hoạt các phương pháp cho phù hợp trong từng giờ dạy. Các thầy cô trong trường cũng thường xuyên quan tâm rèn luyện kỹ năng sống cho mỗi học sinh. Thầy phân công giáo viên có trình độ cao để giảng dạy những lớp có nhiều học sinh thường xuyên tham gia thi học sinh giỏi cấp Huyện và cấp Tỉnh. Ngoài ra thầy còn có những sáng kiến hay về việc giảng dạy với những em hoc sinh chưa đạt kết quả cao, giúp các giáo viên chủ nhiệm và bộ môn hướng dẫn cho các em tự học bài ở nhà, tổ chức các hoạt động tập thể, vui chơi lành mạnh, qua đó, giúp các em phát triển toàn diện.

 

Từ những lời ăn tiếng nói nhẹ nhàng đầy trách nhiệm đến những cử chỉ nhỏ nhất trên sân trường như: tự tay nhặt giấy loại bỏ vào thùng rác, tạo thành thói quen cho mỗi thầy cô giáo, học sinh nhà trường; đến thiết kế trồng, chăm sóc, bảo vệ bồn hoa cây cảnh khuôn viên nhà trường; đôn đốc, hướng dẫn mỗi thầy, cô giáo, học sinh học theo Bác tiết kiệm sử dụng điện, nước…, thầy đều quán triệt và gương mẫu thực hiện trong các buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần.

 

Một điều đáng quí hơn cả, đó là tình cảm mà thầy dành cho đồng nghiệp, một sự lắng nghe chia sẻ và cảm thông sâu sắc. Thầy dành cho chúng tôi những lời động viên, khích lệ, những lời góp ý chân thành nhất. Đó không đơn giản là quan hệ lãnh đạo với cấp dưới mà là tình bạn, tình đồng chí, tình anh chị em cao cả.

Thầy là một trong những tấm gương sáng trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ” cho tập thể sư phạm chúng tôi noi theo. Thầy không những yêu nghề, yêu thương học trò mà còn rất yêu lao động. Trong những giờ nghỉ giải lao thầy luôn quan tâm, lắng nghe chia sẻ những khó khăn vướng mắc của các giáo viên giảng dạy với những em học sinh chưa chăm ngoan. Ở cơ quan là vậy nhưng ở nhà thầy là một người chồng đảm đang, người cha mẫu mực, vì vậy các con của thầy luôn học giỏi, ngoan ngoãn, biết vâng lời thầy cô, bố mẹ và mọi người. Con trai lớn của thầy cũng đã thi đậu vào trường Lục quân năm thứ nhất, con gái thứ hai học cấp hai và luôn là học sinh giỏi.  Ngày nghỉ, với bộ quần áo lao động giản dị thầy cùng người vợ chịu thương, chịu khó trồng rau nuôi gà giúp phát triển thêm kinh tế cho gia đình. Thầy tâm sự: “Lao động là vinh quang, là niềm vui, là rèn luyện sức khỏe.”, nếu sức khỏe không tốt thì làm việc cũng không hiệu quả nhiều, nên việc luyện tập thể dục thể thao của thầy luôn đảm bảo vào mỗi buổi sáng và buổi chiều. Thầy luôn có mặt tại trường đúng giờ, chăm chỉ làm việc từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều, rồi từ chiều đến đêm, để lo cho học sinh từ việc học đến việc ăn ở sinh hoạt nề nếp. Trong cuộc sống, thầy luôn giữ gìn lối sống mẫu mực, giản dị, có mối quan hệ thân thiện, hòa nhã với mọi người xung quanh. Gia đình thầy sống hạnh phúc và được mọi người yêu quý, kính trọng.

 

Ai đó đã từng nói: “Mỗi thầy cô giáo như ngọn nến đốt chính mình để soi rọi cho người khác”. Không hiểu sao mỗi lúc ngẫm nghĩ về câu nói ấy, trong lòng tôi và các đồng nghiệp trong trường lại nghĩ đến người Phó hiệu trưởng của mình.

Đối với tôi cũng như mọi người, thầy không những là người bạn, người đồng nghiệp tốt mà tôi còn xem thầy như người thân trong gia đình. Khi gặp những chuyện chưa tìm ra cách giải quyết, tôi đều tham khảo ý kiến thầy và lúc nào cũng được thầy cho những lời khuyên bổ ích. Tôi và các đồng nghiệp vô cùng ngưỡng mộ thầy và sẽ phấn đấu học tập tấm gương của thầy cũng như học tập làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để xứng đáng là người cán bộ, đảng viên tốt trong nhà trường.

 

Thầy cô giáo trong trường ai có việc vui hay buồn thì thầy đều chia sẻ, giúp đỡ. Có những giáo viên mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm thầy không ngần ngại chỉ bảo tận tình cho họ. Thầy không chỉ quan tâm tới các thầy cô giáo mà còn rất quan tâm đến học sinh.

 

Đối với chúng tôi  thầy Phạm Minh Vương không chỉ là một người lãnh đạo về chuyên môn nhiệt huyết tận tâm đầy năng lực, người bạn thẳng thắn chân tình mà còn là một tấm gương để bản thân học tập, rèn luyện, để cống hiến nhiều hơn cho mái trường THCS Tân Lập thân thương này!

 

Tác giả: Phạm Tiến Lực