"HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH VỀ PHÒNG, CHỐNG SUY THOÁI TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ, ĐẠO ĐỨC, LỐI SỐNG, "TỰ DIỄN BIẾN", "TỰ CHUYỂN HÓA" TRONG NỘI BỘ
ĐỀ CƯƠNG CHUYÊN ĐỀ:
"HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC,
PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH VỀ PHÒNG, CHỐNG SUY
THOÁI TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ, ĐẠO ĐỨC, LỐI SỐNG,
"TỰ DIỄN BIẾN", "TỰ CHUYỂN
HÓA" TRONG NỘI BỘ
I- Sự cần thiết phải học tập và làm theo tư tưởng,
đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phòng chống các biểu hiện suy thoái tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện "tự diễn biến", "tự
chuyển hóa"
- Tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là nền tảng và động
lực tinh thần để phát triển xã hội. Đạo đức là gốc của mỗi con người. Ý thức
sâu sắc về vai trò đặc biệt quan trọng của tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống
của đảng viên cũng như của toàn xã hội đối với sự phát triển của cách mạng Việt
Nam nên ngay từ khi thành lập đến nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn đặc
biệt coi trọng, quan tâm đến việc giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,
phòng, chống suy thoái trong cán bộ, đảng viên và toàn xã hội.
-
Từ sau đổi mới đến nay, do tác động của nhiều nhân tố khách quan và chủ quan,
tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận
không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn biến phức tạp. Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ
khóa VII (tháng 1-1994) Đảng đã chỉ ra những biểu hiện của tình trạng này; coi
đó là một trong bốn nguy cơ tụt hậu cần quan tâm đấu tranh phòng, chống. Các Đại
hội Đảng tiếp theo và nhiều Hội nghị Trung ương Đảng các khóa đều có đánh giá
thực trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận
không nhỏ cán bộ, đảng viên đồng thời xác định việc ngăn chặn và đẩy lùi tình
trạng này là nhiệm vụ vừa cơ bản lâu dài, vừa có ý nghĩa cấp bách trước mắt.
+ Nghị quyết Hội nghị Trung ương
4 khóa XI nhận định: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những
đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái
về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau: phai nhạt
lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi,
tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”.
+ Văn kiện Đại hội XII của Đảng một lần
nữa chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của
một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn
diễn biến phức tạp hơn”.
-
Những suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiện nay làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng;
làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một
nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Vì vậy, Trung ương yêu
cầu phải “kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước
hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến
đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng” (Văn
kiện Hội nghị lần thứ tư BCHTW Đảng khóa XI).
Nghị
quyết Trung ương 4 khóa XII với quan điểm ''nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự
thật, đánh giá đúng sự thật; kết hợp giữa "xây" và "chống";
kiên quyết, kiên trì thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn; phát
huy sự chủ động, sáng tạo và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của
nhân dân, trong đó cán bộ lãnh đạo, quản lý, trước hết là cán bộ cấp cao, cán
bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp là nòng cốt''... trong đấu tranh chống biểu
hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống và các biểu hiện
''tự diễn biến'', ''tự chuyển hóa'' trong nội bộ.
-
Để phòng, chống các biểu hiện suy thoái đó, một trong các giải pháp hàng đầu là
đẩy mạnh học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện có hiệu
quả Chỉ thị số 05- CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị góp phần thực hiện
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn đảng.
II- Quan niệm
của Hồ Chí Minh về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển
hóa" trong nội bộ
1- Quan
niệm của Hồ Chí Minh về suy thoái tư tưởng chính trị
- Chủ tịch Hồ Chí
Minh chỉ rõ những dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, trước hết là những
biểu hiện phai nhạt lý tưởng cách mạng, thờ ơ trước những nhận thức lệch lạc,
quan điểm sai trái: "Nghe những lời bình luận không đúng, cũng làm thinh,
không biện bác. Thậm chí nghe những lời phản cách mạng cũng không báo cáo cho
cấp trên biết. Ai nói sao, ai làm gì cũng mặc kệ".
- Người phê phán
những đảng viên dao động, thiếu lý tưởng cách mạng: "Nếu chỉ có công tác thực
tế, mà không có lý tưởng cách mạng, thì cũng không phải là người đảng viên
tốt".
- Người kiên
quyết chống những nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và
học tập lý luận chính trị, lười học tập chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh,
chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Người khẳng định: "Đảng phải chống cái thói xem nhẹ học tập lý luận. Vì
không học lý luận thì chí khí kém kiên quyết, không trông xa thấy rộng, trong
lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là "mù chính trị", thậm
chí hủ hóa, xa rời cách mạng".
- Người kiên
quyết chống những biểu hiện không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của
Đảng, sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác: "Vô kỷ luật,
kỷ luật không nghiêm".
- Trong tự phê
bình và phê bình, Người kiên quyết chỉ ra và đấu tranh với những biểu hiện
không dám nhận khuyết điểm, khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự
giác nhận kỷ luật; nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy
sai không đấu tranh, thậm chí còn có nơi che đậy cho nhau, lừa dối cấp trên,
giấu diếm đoàn thể...: "Thi hành kỷ luật như vậy làm cho các đồng chí
không những không biết sửa lỗi mình mà còn khinh thường kỷ luật. Tai hại hơn
nữa nếu kỷ luật của đoàn thể lỏng lẻo, những phần tử phản động sẽ có cơ hội
chui vào hàng ngũ ta để phá hoại đoàn thể ta". Đồng thời, Người cũng chỉ
ra nhiều biểu hiện lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau, hoặc vu khống,
bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng.
- Người chỉ ra và
kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện "nói trong hội nghị khác, nói
ngoài hội nghị khác".
- Người phê phán
những biểu hiện duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình; không chịu học
tập, không chịu lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác.
- Kiên quyết
chống những biểu hiện tham vọng chức quyền, không chấp hành sự phân công của tổ
chức; kén chọn chức danh, vị trí công tác. Người yêu cầu: "Phải khắc phục
bệnh cá nhân chủ nghĩa, bệnh công thần, óc địa vị. Nó đẻ ra nhiều cái xấu như
xích mích, kèn cựa giữa cán bộ và giữa đảng viên, không ai phục ai, không giúp
đỡ nhau, không cộng tác chặt chẽ với nhau..."
- Người đấu tranh
với những biểu hiện tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không
đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào
vị trí có nhiều lợi ích và gọi đó là "Tư túng – kéo bè, kéo cánh...".
2- Quan niệm Hồ
Chí Minh về suy thoái đạo đức, lối sống,''tự diễn biến", "tự chuyển
hóa" trong nội bộ
- Chủ tịch Hồ Chí
Minh bàn khá nhiều về suy thoái đạo đức, lối sống. Người thẳng thắn đấu tranh
với mọi biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi;
chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể, đặt lợi ích của
mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh,
không muốn người khác hơn mình, vì thế không cất nhắc những người tốt, người có
tài năng. Người gọi đó là các căn bệnh: "Óc hẹp hòi" và "bệnh
tham lam".
- Ngay từ đầu năm
1948, khi nhà nước cách mạng còn hết sức non trẻ, gặp muôn vàn khó khăn, Người
chỉ ra cần phải đấu tranh với những vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây
mất đoàn kết nội bộ; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức; cục bộ, bè phái,
kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền; độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ
trong chỉ đạo, điều hành.
- Người kiên
quyết chống "bệnh hẹp hòi" vì từ bệnh này sinh ra các bệnh khác như:
chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa bản vị, chủ nghĩa cá nhân, khuynh hướng tham
danh vọng, tham địa vị, dìm người giỏi, bệnh hủ hóa... Sau cách mạng tháng Tám,
mặc dù những biểu hiện "chạy thành tích", "chạy khen
thưởng", "chạy danh hiệu" chưa phổ biến nhưng nhiều biểu hiện
của bệnh "thành tích", háo danh, phô trương, thổi phồng thành tích,
"đánh bóng" tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi... đã bị Người chỉ
ra và phê phán mạnh mẽ.
- Người cũng sớm
chỉ ra các bệnh có các biểu hiện quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ
sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình:
+ Óc quân phiệt
quan liêu: khi phụ trách một vùng nào thì như một ông vua con, hách dịch, hoạnh
họe. Đối với cấp trên thì xem thường, đối với cấp dưới cậy quyền lấn áp, đối
với quần chúng ra vẻ quan cách làm cho quần chúng sợ hãi... gây ra bao ác cảm,
bao chia rẽ, làm cho cấp trên xa cấp dưới, đoàn thể xa nhân dân.
+ Làm việc lối
bàn giấy: thích làm việc bằng giấy tờ thật nhiều, ngồi một nơi chỉ tay năm ngón
không chịu xuống địa phương kiểm tra công tác và để chỉ vạch những kế hoạch thi
hành chỉ thị, nghị quyết của đoàn thể cho chu đáo... Cái lối làm việc như vậy
rất có hại. Nó làm cho chúng ta không đi sát phong trào, không hiểu rõ được
tình hình bên dưới, cho nên phần nhiều chủ trương của chúng ta không thi hành
được đến nơi đến chốn.
+ Bệnh mệnh lệnh:
hay dựa vào chính quyền mà bắt dân làm, ít tuyên truyền, giải thích cho dân tự
giác, tự động.
- Người yêu cầu
chống các biểu hiện thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức
xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân; những biểu hiện gây lãng phí, thất
thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên. Người cũng
kiên quyết đấu tranh chống tham ô, lãng phí, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu
kết với các đối tượng khác để trục lợi... làm hại đến lợi ích của cách mạng,
của nhân dân, như thế là "có tội với Đảng, với Chính phủ, với nhân
dân".
- Hồ Chí Minh đã
nêu và kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện thao túng trong công tác cán bộ
mà Người gọi là: "Óc bè phái", "Kéo bè kéo cánh" – ai hợp
với mình thì dù không có tài năng, không có đạo đức cũng dùng; ai không hợp thì
tìm cách dèm pha, nói xấu, dù có tài năng, đạo đức cũng không trọng dụng, thậm
chí tìm cách dìm họ xuống. Người khẳng định: "Bệnh này rất tai hại cho
Đảng. Nó làm hại đến sự thống nhất. Nó làm Đảng bớt mất nhân tài và không thực
hành được đầy đủ chính sách của mình. Nó làm mất sự thân ái, đoàn kết giữa đồng
chí. Nó gây ra những mối nghi ngờ".
- Nguyên nhân của
những biểu hiện suy thoái có nhiều nhưng chủ yếu là do chủ nghĩa cá nhân sinh
ra. Theo Hồ Chí Minh: "Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm:
quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí. Nó trói buộc, nó bịt
mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ
lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân".
III- Nhận diện
những biểu hiện về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự
diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ hiện nay
Nghị quyết Trung ương 4 khóa II đã chỉ ra 27 biểu hiện về suy
thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, về "tự diễn biến",
"tự chuyển hóa", trong đó:
1- Những
biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị (9 biểu hiện)
1.1- Phai nhạt lý
tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và
chủ nghĩa xã hội; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mac- Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh.
1.2- Xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng;
không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; phụ hoạ theo những nhận thức
lệch lạc, quan điểm sai trái.
1.3- Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm
quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mac
- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước.
1.4- Không chấp hành nghiêm các nguyên
tắc tổ chức của Đảng; sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; né
tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại
khái, kém hiệu quả; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn
chức trách, nhiệm vụ được giao.
1.5- Trong tự phê bình còn giấu giếm,
không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự
giác nhận kỷ luật. Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy
đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy
lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá
nhân không trong sáng.
1.6- Nói và viết không đúng với quan
điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi
với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác,
nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc
về nghỉ hưu.
1.7- Duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ
làm theo ý mình; không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người
khác.
1.8- Tham vọng chức quyền, không chấp
hành sự phân công của tổ chức; kén chọn chức danh, vị trí công tác; chọn nơi có
nhiều lợi ích, chọn việc dễ, bỏ việc khó; không sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi
xa, nơi có khó khăn. Thậm chí còn tìm mọi cách để vận động, tác động, tranh thủ
phiếu bầu, phiếu tín nhiệm cho cá nhân một cách không lành mạnh.
1.9- Vướng vào
"tư duy nhiệm kỳ", chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn
trước mắt, có lợi cho mình; tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người
nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố
trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích.
2- Những biểu hiện suy thoái về đạo đức,
lối sống (9
biểu hiện)
2.1- Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ,
thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập
thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình.
2.2- Vi phạm nguyên tắc tập trung dân
chủ, gây mất đoàn kết nội bộ; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức; cục bộ,
bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền; độc đoán, gia trưởng, thiếu
dân chủ trong chỉ đạo, điều hành.
2.3- Kê khai tài sản, thu nhập không
trung thực.
2.4- Mắc bệnh "thành tích",
háo danh, phô trương, che dấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, "đánh
bóng" tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi; "chạy thành tích",
"chạy khen thưởng", "chạy danh hiệu".
2.5- Quan liêu, xa rời quần chúng,
không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa
phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó
khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân.
2.6- Quyết định hoặc tổ chức thực hiện
gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài
nguyên...; đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả; mua sắm, sử
dụng tài sản công vượt quy định; chi tiêu công quỹ tuỳ tiện, vô nguyên tắc. Sử
dụng lãng phí nguồn nhân lực, phí phạm thời gian lao động.
2.7- Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức
vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng,
lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham
nhũng, tiêu cực.
2.8- Thao túng trong công tác cán bộ;
chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử
dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người
quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi.
2.9- Đánh bạc, rượu chè bê tha, mê tín
dị đoan, ủng hộ hoặc tham gia các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp. Sa vào các tệ
nạn xã hội, vi phạm thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc,
chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội.
3- Các biểu hiện ''tự diễn biến'', ''tự chuyển hóa'' trong nội bộ
3.1-
Phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mac-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nguyên tắc
tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; đòi thực hiện "đa
nguyên, đa đảng".
3.2- Phản bác, phủ nhận nền dân chủ xã
hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện thể chế
"tam quyền phân lập", phát triển "xã hội dân sự". Phủ nhận
nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chế độ sở hữu toàn dân về đất
đai.
3.3- Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ
trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hạ thấp, phủ nhận
những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc
lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
3.4- Kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng
chính kiến, chống đối trong nội bộ. Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông
tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò
lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân
dân.
3.5- Phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối,
trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang; đòi "phi chính
trị hoá" quân đội và công an; xuyên tạc đường lối quốc phòng toàn dân và
an ninh nhân dân; chia rẽ quân đội với công an; chia rẽ nhân dân với quân đội
và công an.
3.6-
Móc nối, cấu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất
mãn chính trị để truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập; vận động, tổ chức, tập
hợp lực lượng để chống phá Đảng và Nhà nước.
3.7- Đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc
đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; thông tin phiến diện, một
chiều về tình hình quốc tế, gây bất lợi trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước.
3.8- Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng
đối với báo chí, văn học - nghệ thuật. Tác động, lôi kéo, lái dư luận xã hội
không theo đường lối của Đảng; cổ suý cho quan điểm, tư tưởng dân chủ cực đoan;
thổi phồng mặt trái của xã hội. Sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hoá, nghệ
thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng.
3.9- Có tư tưởng
dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan. Lợi dụng vấn đề "dân chủ",
"nhân quyền", dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ nội bộ, gây chia rẽ
giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo, giữa dân tộc và tôn giáo, giữa các dân
tộc, tôn giáo với Đảng và Nhà nước.
Tham khảo:
MỘT SỐ MẨU CHUYỆN VỀ BÁC HỒ
1.
VỤ ÁN TRẦN DỤ CHÂU VÀ
BÀI HỌC VỀ CHỐNG THAM NHŨNG
Cách mạng Tháng Tám thành công, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
ra đời. Nhân dân được hưởng nền độc lập chưa bao lâu thì thực dân Pháp quay trở
lại lăm le cướp nước ta một lần nữa. Chính quyền cách mạng non trẻ cùng quân
đội và nhân dân tạm rời Thủ đô Hà Nội lên Chiến khu Việt Bắc. Biết bao nhiêu
khó khăn, thiếu thốn đến với chính quyền và quân đội trong khoảng thời gian
này, trong khi Pháp tăng cường lực lượng. Từ năm 1946 đến đầu năm 1950, thế và lực
của ta là cầm cự và phòng ngự. Đây là giai đoạn quân đội thiếu lương thực, thuốc
men, đạn dược... Chính trong giai đoạn nóng bỏng này, trong quân đội lại xuất
hiện những sĩ quan biến chất, tham nhũng, sống phè phỡn, xa hoa trong khi những
người lính ngoài mặt trận phải ăn đói, mặc rách; những chiến sĩ bị thương thiếu
cả thuốc men chữa trị. Một số sĩ quan có chức có quyền ấy đã bị đưa ra trước
vành móng ngựa…
Trần Dụ Châu sinh năm 1906 tại Nghệ
An. Nhờ quan hệ và khôn khéo trong công việc, Châu được phong quân hàm Đại tá,
giữ chức Giám đốc Nha Quân nhu, có nhiệm vụ chỉ đạo sản xuất quân trang, được
giữ trong tay rất nhiều tiền bạc. Chính vì có chức, có quyền, có tiền nhưng lại
thiếu tự kiềm chế nên Trần Dụ Châu sa vào hưởng lạc, chiếm dụng tiền công bằng
nhiều thủ đoạn khác nhau, nhận tiền biếu xén, nâng đỡ, bao che cho các thuộc hạ
khi có sai phạm. Chính vì sự bớt xén cho nên các mặt hàng phục vụ chiến sỹ đều
bị “rút ruột” ...Khi có lời xầm xì về lối sống của Châu, thì Châu đã dằn mặt
người có ý định tố cáo.
Có điều, cái xấu không thể che đậy được
mãi. Đám cưới của Lê Sỹ Cửu, thân cận của Trần Dụ Châu tổ chức rất xa xỉ, mang
phong cách quý tộc của châu Âu. Không gian cưới lung linh bởi cả trăm ngọn nến.
Cỗ bàn toàn những thứ cao sang từ thực phẩm đến đồ uống, đồ hút đều là những thứ
nổi tiếng của cả ta và Tây. Cặp uyên ương trong trang phục sang trọng như giới
thượng lưu, có cả ban nhạc sống nổi tiếng về phục vụ…Đám cưới được tổ chức trên
vùng đất Việt Bắc, nơi người dân còn quá nghèo và lạc hậu, nơi người lính đang
thiếu thốn trăm bề. Trong khi đó, các chiến sĩ đang rất đói rét. Tiệc cưới có mời
nhà thơ Đoàn Phú Tứ với danh nghĩa là đại biểu Quốc hội. Khi được mời đọc thơ tặng,
nhà thơ Đoàn Phú Tứ đứng lên đọc:
Bữa tiệc mà ta sắp chén đẫy hôm nay
Được dọn bằng máu xương chiến sĩ.
Lập tức ông bị Trần Dụ Châu cho lính
tát. Trước khi bỏ về, ông đứng lên cầm chén rượu đổ xuống đất, ngay trong đêm
đó, ông ngồi viết thư cho Hồ Chủ Tịch. 14 ngày sau, Trần Dụ Châu bị bắt đưa ra
xét xử, bị kết án tử hình, tịch thu 3/4 tài sản, tịch thu những tang vật hối lộ
trái phép, phạt tiền gấp đôi những tang vật hối lộ và biển thủ. Bác là người trực
tiếp chỉ đạo xét xử vụ án này. Vụ án được đăng đầy đủ, công khai trên báo Cứu
quốc (đăng bốn kỳ). Số báo này còn được chuyển vào vùng địch tạm chiếm và tới kiều
bào ta ở nước ngoài. Qua vụ án cho thấy bài học của Bác về công khai, dân chủ,
minh bạch trong xử lý kỷ luật. Đây chính là con đường chống tham nhũng hiệu quả.
Vụ án Trần Dụ Châu đã lùi vào lịch sử 67 năm, nhưng tính thời sự, nghiêm minh
pháp luật thì vẫn còn nguyên giá trị.
Thế
Lữ- Báo Thanh tra điện tử
2.
BÁC MUỐN BIẾT SỰ THẬT
KIA
Hòa bình lập lại, mặc dù rất bận, Bác vẫn dành thời gian đi thăm
bà con nhân dân. Lần ấy, vào vụ thu hoạch mùa, anh em cảnh vệ chúng tôi được
lệnh đến trước và bố trí một số chiến sĩ cùng gặt với bà con để tiện cho việc
bảo vệ Bác.
Trên
cánh đồng lúa vàng trải rộng, có khoảng năm sáu tổ đang khẩn trương gặt hái,
mấy tổ gặt ở kề ngay đường, còn một nhóm gặt ở mãi xa trong cánh đồng lầy lội.
Chúng tôi nghĩ, chắc Bác sẽ đến thăm mấy tổ gần đường, vì vậy một số anh em bảo
vệ trà trộn cùng dân gặt trong những nhóm đó.
Chuẩn
bị xong, chúng tôi yên trí chờ đợi...Một lúc sau xe Bác đến và dừng lại gần chỗ
chúng tôi bố trí. Bác xuống xe nhưng không lại chỗ bà con đang gặt gần đường.
Người xắn quần, tháo dép đi thẳng ra nhóm đang gặt ở đằng xa. Thấy vậy, một
đồng chí trong chúng tôi lúng túng gợi ý:
-
Thưa Bác, chỗ đằng kia nông dân gặt đông quá ạ!
-
Đông gì? Các chú bố trí đấy!- Rồi Bác tiếp tục đi. Chúng tôi, anh nọ nhìn anh
kia ngượng quá.
Đến chỗ bà con nông dân đang gặt ở giữa cánh đồng, Bác ân cần
hỏi han từ chuyện trong nhà đến việc ngoài đồng... Do hóa trang rất khéo, vả
lại buổi đi thực tế của Bác rất bất ngờ, nên bà con nông dân cứ ngỡ là một cán
bộ già đi qua đường xuống thăm nói chuyện với Bác rất tự nhiên, vui vẻ.
Lúc
về nhà Bác bảo chúng tôi: Các chú nên rút kinh nghiệm, nếu làm việc gì cần phải
bí mật, thì phải làm sao để không ai phát hiện được (hóa ra Bác đã nhìn thấy
trong đám gặt gần đường có cả những anh nông dân mặc quần ka ki đi gặt). Bác
nói tiếp: Lần này đi thăm bà con nông dân, Bác muốn nói chuyện thật tự nhiên để
biết rõ tình hình thực tế. Bác thì Bác muốn biết sự thật kia. Đối với nông dân,
điều đầu tiên là phải chân thực!
(Theo
Trần Minh Trưởng- Một số mẩu chuyện về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí
Minh- Ban Tư tưởng- Văn hóa Trung ương, NXB Chính trị quốc gia)
Sưu tầm
Tổ chuyên môn Toán –
Lý – Tin